Tăng cường hệ miễn dịch của bản thân là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Nhờ hệ miễn dịch, cơ thể của chúng ta có thể chống lại những yếu tố gây bệnh như các loại vi khuẩn, virus, các loại nấm hay ký sinh trùng,… Có nhiều cách giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, trong đó dinh dưỡng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Vậy dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch bao gồm những dưỡng chất nào?

Hệ miễn dịch và sức khỏe

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt như: protein, mô và cơ quan. Nhờ vậy, cơ thể có khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và nấm.

Hệ miễn dịch của cơ thể phân bố rải rác ở nhiều vị trí của cơ thể bao gồm: hàng rào da, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tủy xương, lách, hạch bạch huyết,…

Hệ miễn dịch gồm có 3 loại chính là miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.

Hệ miễn dịch và cơ chế hoạt động của nó trong cơ thể mỗi người sẽ có sự khác nhau. Nếu không có hệ thống miễn dịch hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu thì các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh cao. Vì vậy, hệ miễn dịch mạnh giúp cơ thể bạn hạn chế bệnh và khỏe mạnh hơn.

Chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch

Dinh dưỡng hợp lý và khoa học cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Do vậy, cơ thể sẽ hoạt động, tăng trưởng – phát triển và đảm bảo các chức năng tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, miễn dịch, nội tiết, sinh dục,…

Các chất tăng cường hệ miễn dịch gồm chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, flavonoid, omega 3, probiotics,…

Chất đạm (protein)

  • Để tăng cường miễn dịch, cơ thể cần được bổ sung hàm lượng chất đạm cao. Đây là thành phần của các mô cấu tạo cơ thể, kháng thể, hồng cầu, nội tiết tố,… Do đó, chất này đóng vai trò nòng cốt cấu thành hệ thống miễn dịch. Chất đạm có từ nguồn động vật như các loại cá, thịt, hải sản, trứng, sữa.. và nguồn thực vật như nấm, đậu hủ, đậu đỗ, các loại hạt,…

Vitamin A và β-caroten

  • Hai thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Một số thực phẩm giàu hàm lượng vitamin A và β-caroten như: gan động vật, lòng đỏ trứng, đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi….

Vitamin C

  • Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng hấp thu chất sắt, tham gia cấu tạo mô liên kết, chống oxy hóa. Đồng thời, dưỡng chất này tham gia quá trình chuyển hóa- tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận, tăng tạo ra interferon, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thiếu vitamin C làm tăng nguy cơ suy giảm khả năng đề kháng, dễ bị nhiễm trùng.
  • Vitamin C có nhiều trong nhiều loại trái cây và rau tươi như: sơ ri, ổi, cam, quýt, bưởi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt…

Vitamin E

  • Cơ thể sẽ tăng cường khả năng hệ miễn dịch khi có đầy đủ hàm lượng vitamin E. Dưỡng chất này có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào, làm gia tăng sức đề kháng của cơ thể.
  • Vitamin E có nhiều trong trong các loại hạt: hạt hướng dương/dầu hướng dương, hạt ô-liu/ dầu ô-liu, đậu nành/giá đỗ, vừng, đậu phộng, lúa mì, các loại rau có màu xanh đậm như rau mầm, rau chân vịt….

Vitamin D

  • Theo các nghiên cứu, vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch như: tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.
  • Vitamin D chủ yếu được tổng hợp trong da dưới tác động của ánh nắng mặt trời (chiếm khoảng 80%) và một phần từ chế độ ăn uống (khoảng 20%). Mỗi ngày cần tiếp xúc nắng sớm từ 15-30 phút, đồng thời tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá/ dầu gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản và thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc)…

Vitamin nhóm B

  • Các loại vitamin nhóm B tham gia vào quá trình chuyển hóa, tổng hợp các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Thực phẩm tăng cường miễn dịch giàu vitamin B như: cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì,…

Selen

  • Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc. Selen có nhiều trong gạo lức, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

Sắt

  • Sắt cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và phân bào. Đồng thời, dưỡng chất này còn tham gia quá trình tạo máu.
  • Sắt có nhiều trong thịt đỏ, lòng đỏ trứng, gan, đạm nguồn động vật khác và một số thực phẩm nguồn thực vật như nấm mèo, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương,…

Kẽm

  • Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, duy trì vị giác và khứu giác. Chất này tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Bạn có thể bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm như: thịt, cá, hải sản đặc biệt các động vật có vỏ như: hàu, cua, sò….
dinh duong tang cuong he mien dich 1

Omega 3

  • Đây là acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Thực phẩm tăng cường miễn dịch giàu omega 3 như: dầu cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt…

Flavonoid

  • Flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa, có nhiều trong: các loại rau gia vị như các loại húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

Lợi khuẩn (probiotics)

  • Đây là các vi sinh vật sống có lợi cho hệ miễn dịch, có trong các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (miso, natto)…

Bổ sung thực phẩm chức năng đúng cách

  • Nếu chế độ ăn uống của bạn không đa dạng và đầy đủ, bạn có thể tham khảo việc bổ sung vitamin và các loại thực phẩm chức năng giúp tăng hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể được nạp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên chính là cách tốt nhất để dưỡng chất đi vào cơ thể bạn. Do đó, nếu có ý định sử dụng bất kỳ loại vitamin hay thực phẩm chức năng nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng để mang lại hiệu quả và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Ngoài các dòng thực phẩm chức năng, bạn có thể tham khảo các dòng sữa dinh dưỡng bổ sung tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng tại đây!

Giải pháp tăng cường hệ miễn dịch khác

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn đối với sức khoẻ tổng thể của bạn, đặc biệt đối với việc cải thiện chức năng hệ miễn dịch của chúng ta. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém sẽ khiến sức khỏe giảm sút và tăng khả năng mắc bệnh.

Tập thể dục hàng ngày

Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp nâng cao khả năng hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

Kiểm soát căng thẳng

Giữ tinh thần thoải mái, tránh xa căng thẳng cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch. Cơ thể trong tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ thúc đẩy quá trình viêm, cũng như mất cân bằng chức năng tế bào miễn dịch.

Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích

Lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Tiêm chủng

Sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Tiêm chủng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là những bệnh có khả năng biến chứng, để lại di chứng và gây tử vong.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe miễn dịch bao gồm thực phẩm probiotic và prebiotic, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và giảm mức độ căng thẳng là những cách tốt nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn ngừa hoặc vượt qua bệnh tật.