Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý phổ biến. Tình trạng này thường xảy ra nhiều lần trong ngày, ngay cả đối với những em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên những trường hợp trào ngược nặng có thể có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thức ăn, dịch dạ dày, không khí di chuyển từ dạ dày lên thực quản. Tình trạng này xảy ra ở hơn 50% trẻ sơ sinh, chủ yếu là trào ngược sinh lý, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có khoảng 1% trẻ bị trào ngược dạ dày gặp biến chứng chậm tăng cân, nghẹt thở do hít phải chất nôn, viêm thực quản do acid trong dịch dạ dày.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh được chia làm hai nhóm chính: sinh lý và bệnh lý. Trong đó, trào ngược dạ dày sinh lý diễn ra khá phổ biến và thường sẽ giảm dần sau khi trẻ được 7 tháng tuổi. Có 85% trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày được cải thiện khi trẻ được 12 tháng tuổi và lên đến 95% khi trẻ được 18 tháng tuổi. Mặt khác, trào ngược dạ dày do bệnh lý (GERD) ít phổ biến hơn.

Trào ngược axit (GER)

Hiện tượng trào ngược ở trẻ em xảy ra khi thức ăn chảy ngược từ dạ dày lên thực quản, khiến bé bị trớ hoặc nôn ra. Bạn có thể yên tâm nếu như bé vẫn tăng cân và phát triển bình thường dù bị trào ngược thường xuyên. Triệu chứng phổ biến và không có nhiều nguy hiểm này gọi là trào ngược axit (GER), gây ra bởi nhiều axit dạ dày đẩy lên kích thích cổ họng hoặc thực quản của bé. Thông thường, tình trạng này không phải là dấu hiệu của các loại bệnh lý, chẳng hạn như dị ứng hay tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Hầu hết trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đều bị trào ngược và sẽ tự động khỏi khi bé mới biết đi. Tuy nhiên nếu sau 18 tháng tuổi, trẻ vẫn tiếp tục bị trào ngược thì đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác nghiêm trọng hơn, đó là trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm của trào ngược axit (GER).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé thường xuyên nôn trớ có thể dễ mắc GERD hơn. Sự khác biệt giữa GER và GERD là ở mức độ nghiêm trọng và thời gian tác động lâu dài, nhưng cả hai triệu chứng đều có thể điều trị được.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ

Cơ thể bé chưa phát triển hoàn chỉnh

Vòng cơ nằm giữa thực quản và dạ dày, hay còn gọi là cơ thắt thực quản dưới (LES), có nhiệm vụ giữ cho thức ăn luôn nằm trong dạ dày. Cơ chế hoạt động của vòng cơ này là luôn đóng chặt và chỉ mở ra khi chúng ta nuốt. Ở trẻ sơ sinh, cơ thắt thực quản dưới (LES) vẫn chưa phát triển hoàn toàn để thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Ngoài ra, hệ thống tiêu hóa của bé vẫn còn yếu và đây chính là nguyên nhân khiến bé dễ bị trào ngược hơn.

Đặc điểm sinh hoạt

Một số yếu tố khác có thể góp phần gây ra chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh phổ biến là:

  • Bé thường xuyên nằm ngửa
  • Chế độ dinh dưỡng chủ yếu là chất lỏng
  • Em bé sinh non.

Dấu hiệu của một số bệnh lý

Đôi khi, trào ngược ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Ở những trẻ lớn hơn, nguyên nhân gây ra GERD bao gồm béo phì, ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt có gas hoặc chứa caffeine, dùng một số loại thuốc cụ thể hoặc do yếu tố di truyền.
  • Hẹp môn vị: Môn vị là một van nằm giữa dạ dày và ruột non. Khi bị thu hẹp, nó sẽ ngăn không cho các chất có trong dạ dày vào ruột non, khiến hệ tiêu hóa gặp nhiều khó khăn khi hoạt động.
  • Chứng không dung nạp thực phẩm: Tình trạng phản ứng của cơ thể đối với những loại thức ăn nhất định, trong đó một loại protein có trong sữa bò là loại phổ biến thường gặp nhất.
  • Viêm thực quản do dị ứng: Đây là một căn bệnh hiếm gặp, còn có tên khác là viêm thực quản tăng bạch cầu eosin. Tế bào bạch cầu (eosinophil) của người bệnh tích tụ nhiều và gây tổn thương niêm mạc thực quản.
Bố mẹ nên theo dõi tình trạng này chặt chẽ

Bố mẹ nên theo dõi tình trạng này chặt chẽ

Triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Hiện tượng trớ sữa là biểu hiện phổ biến nhất của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể nhầm lẫn biểu hiện này với nôn mửa nhưng thực chất hiện tượng này không xảy ra do sự co bóp của nhu động dạ dày nên không phải là nôn mửa. Trớ sữa ở trẻ thường diễn ra một cách dễ dàng và không có sự gắng sức của trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày có thể trở nên dễ cáu gắt, biếng ăn, ho, ngủ không sâu giấc, thở khò khè và thậm chí là thở rít. Một số trường hợp hiếm gặp trẻ có hiện tượng ngưng thở ngắt quãng hoặc xuất hiện các cơn uốn cong lưng, quay đầu sang một bên (hội chứng Sandifer). Trào ngược dạ dày kéo dài khiến trẻ chậm tăng cân, thậm chí có thể khiến trẻ sụt cân.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em và trẻ sơ sinh nếu không được điều trị sẽ để lại nhiều biến chứng sau:

  • Viêm thực quản: Trẻ sẽ bị viêm thực quản với các mức độ khác nhau, trong trường hợp nặng nhất là bị barrett thực quản, có thể dẫn đến ung thư.
  • Hệ hô hấp bị ảnh hưởng: Trẻ sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài và điều trị thông thường không giúp trẻ thuyên giảm triệu chứng này. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ bị khàn tiếng hoặc hen suyễn.
  • Các vấn đề về tai mũi họng như: mòn răng, viêm tai, viêm xoang.
  • Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em còn làm trẻ sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn…

Khi nào nên đưa bé gặp bác sĩ?

Trào ngược ở trẻ em không phải là một nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh phải lo ngại. Tuy nhiên, nên cần chú ý nếu bé có những triệu chứng sau đây:

  • Trẻ chậm tăng trưởng, không tăng trưởng, sụt cân.
  • Trẻ nôn ói dữ dội, có các cơn co thắt cơ bụng kéo dài.
  • Chất nôn có màu bất thường (màu vàng, xanh lá cây, nâu đậm hoặc có lẫn máu).
  • Trẻ bỏ bú.
  • Trẻ đi ngoài phân có máu.
  • Trẻ khó thở, da tím tái, ho lâu dai dẳng.
  • Trẻ khó chịu, quấy khóc dữ dội khi cho bú hoặc sau khi bú.
  • Trẻ ợ nóng, ợ chua thường xuyên.
  • Trẻ bị hôi, chua miệng.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước.

Những dấu hiệu trên có thể là nguyên nhân của các căn bệnh khác nghiêm trọng hơn như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa. Hãy đưa con bạn đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị trào ngược

Bác sĩ sẽ phân loại trào ngược, mức độ nghiêm trọng và hướng dẫn điều trị phù hợp. Đối với trào ngược dạ dày do sinh lý, tình trạng này có thể được cải thiện khi tâm lý trẻ ổn định hay thay đổi tư thế cho trẻ khi cho trẻ bú và sau khi bú. Một số biện pháp giúp hạn chế trẻ bị trào ngược dạ dày bố mẹ có thể áp dụng:

  • Sau khi cho trẻ bú, mẹ nên giữ nguyên tư thế (bế trẻ ở tư thế đứng) khoảng 30 phút rồi mới cho bé nằm, đồng thời vỗ nhẹ lưng trẻ để kích thích trẻ ợ hơi (vỗ ợ) để hỗ trợ trẻ tiêu hóa hiệu quả hơn.
  • Nếu mẹ cho trẻ bú bình, hãy lựa chọn loại núm vú bình sữa có kích thước vừa với khuôn miệng bởi nếu chọn loại lớn quá, dòng sữa chạy nhanh và mạnh, dễ khiến trẻ bị sặc sữa.
  • Cho trẻ bú thường xuyên với nhiều cữ bú nhỏ, trải đều trong ngày, không cho trẻ bú quá no trong một lần bú.
  • Massage bụng, giúp trẻ cử động chân tay để trẻ tiêu hóa tốt hơn nhưng lưu ý không tập ngay sau khi trẻ mới bú no.

Nếu chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm, các bác sĩ có thể kê toa một vài loại thuốc thích hợp. Hầu hết các loại thuốc giúp dạ dày của con bạn tạo ra ít axit và khí hơi hơn đều an toàn. Một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy có thể xảy ra nếu dùng ở liều cao. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc ở liều cao trong thời gian dài, trẻ có nguy cơ bị loãng xương, hay được gọi là còi xương hoặc thiếu vitamin B12.