Dị ứng sữa là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với protein có trong sữa động vật. Một vài trường hợp chỉ có những biểu hiện nhẹ và ảnh hưởng đến một vài bộ phận trên cơ thể như nổi mề đay trên da, đau họng. Nhiều trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng như đe dọa đến tính mạng của người bị dị ứng.
Dị ứng sữa là gì?
Dị ứng là phản ứng phòng vệ của hệ thống miễn dịch của cơ thể lên một vật thể lạ (trong trường hợp này là các protein trong sữa). Điều này có nghĩa khi trẻ uống sữa, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ nhầm các protein là các kháng thể lạ gây hại cho cơ thể và bắt đầu hoạt động để chống lại chúng, gây nên các biểu hiện dị ứng sữa ở trẻ.
Dị ứng sữa bò là một trong những loại dị ứng sữa thường gặp nhất, ngoài ra cơ thể cũng có thể dị ứng với sữa của các động vật có vú khác như sữa dê, sữa cừu, sữa trâu,…
Cơ thể có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều loại protein khác nhau, trong đó alpha protein S1-casein có trong sữa bò là tác nhân dị ứng phổ biến nhất. Trên thị trường hiện nay, phần lớn sữa công thức, sữa bột đều là sản phẩm của sữa bò. Vậy nên, tỷ lệ trẻ dị ứng sữa công thức, dị ứng sữa bột gia tăng cũng xuất phát từ nhu cầu sử dụng các chế phẩm làm từ sữa bò.
Cơ chế dị ứng sữa
Hệ miễn dịch có thể cho rằng protein có trong sữa là có hại, nên nó tăng cường sản xuất các kháng thể IgE để khống chế các protein này. Về sau, nếu các protein sữa gây dị ứng lại tiếp tục xuất hiện trong cơ thể thì chúng sẽ nhanh chóng được nhận diện bởi các kháng thể IgE, khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt, giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác, gây ra tình trạng dị ứng trên lâm sàng với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng.
Nguyên nhân gây dị ứng sữa
Khi bị dị ứng sữa, protein trong sữa làm cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Phản ứng dị ứng xảy ra chủ yếu bởi 2 loại protein sau:
- Casein: có trong phần rắn của sữa khi sữa đông lại, chiếm khoảng 80% protein trong sữa. Đây là thành phần làm cho sữa có màu trắng.
- Whey: có trong phần lỏng của sữa khi sữa đông lại, chiếm khoảng 20% protein trong sữa.
Cơ thể có thể bị dị ứng với chỉ một hoặc cả hai loại protein trên.
Ngoài protein trong sữa thì vẫn có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng sữa:
- Các loại dị ứng khác: Đối với những người có cơ địa dị ứng với bất kỳ tác nhân nào thì khả năng dị ứng sữa cũng thường cao hơn so với những người khác.
- Viêm da dị ứng. Trẻ em bị viêm da dị ứng có khả năng bị dị ứng sữa cao hơn.
- Lịch sử gia đình: Trẻ em có người thân, đặc biệt là cha, mẹ có tiền sử dị ứng, hen phế quản, nổi mề đay hoặc chàm,…thì phần trăm bé bị dị ứng sữa cũng rất cao.
- Tuổi: Dị ứng sữa có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên trẻ em là đối tượng hay bị dị ứng sữa nhất. Khi lớn lên, tỉ lệ này sẽ giảm dần do hệ thống tiêu hóa của bé trưởng thành và hoàn thiện hơn.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng sữa
Các triệu chứng dị ứng sữa thường khác nhau ở mỗi người, xảy ra từ vài phút cho đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp nhận sữa hoặc các sản phẩm từ sữa.
Các dấu hiệu ban đầu
Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng sữa xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn sau khi uống sữa có thể bao gồm:
- Nổi ban đỏ ở miệng, mặt hoặc toàn thân.
- Thở khò khè.
- Ngứa hoặc cảm giác ngứa ran quanh môi hoặc miệng.
- Sưng môi, lưỡi hoặc cổ họng.
- Ho hoặc khó thở.
- Nôn mửa.
Dấu hiệu sau đó
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể mất nhiều thời gian hơn để phát hiện bao gồm:
- Phân lỏng hoặc tiêu chảy, có thể có máu trong phân.
- Chuột rút bụng.
- Sổ mũi.
- Chảy nước mắt.
- Hội chứng Colic (đau bụng) ở trẻ sơ sinh.
Phản vệ
Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, làm hẹp đường thở và có thể tắc thở. Sữa là loại thực phẩm phổ biến thứ ba sau đậu phộng và hạt cây gây sốc phản vệ.
Nếu nhận thấy cơ thể phản ứng với sữa, dù là nhẹ, hãy báo cho bác sĩ hay trung tâm y tế để có thể tránh dẫn đến phản vệ hoặc sốc phản vệ.
Các dấu hiệu và triệu chứng bắt đầu ngay sau khi uống sữa và có thể bao gồm:
- Co thắt đường thở, bao gồm cổ họng sưng tấy gây khó thở.
- Đỏ bừng mặt.
- Ngứa.
- Sốc, tụt huyết áp rõ rệt.
Cách xử lý khi trẻ bị dị ứng sữa
Nếu không may trẻ có phản ứng mạnh mẽ với sữa công thức, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa trẻ quá mẫn cảm, thì cách để hạn chế tình trạng này là cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn đầu.
Trong trường hợp không có sữa mẹ thì có thể cho trẻ dùng sữa công thức, tuy nhiên cần chú ý cho trẻ bú từng chút một để xem trẻ có bị dị ứng với loại sữa đó không. Nếu thấy an toàn thì cha mẹ có thể điều chỉnh tăng dần lượng sữa ở những lần tiếp theo.
Thường trẻ sẽ hết dị ứng với đạm sữa bò khi 3 – 6 tuổi, tuy nhiên một số trẻ mắc dị ứng suốt đời nếu hệ thống miễn dịch bị lỗi.
Phương pháp điều trị
Các phương pháp điều trị chủ yếu là tránh thực phẩm gây dị ứng (nếu trẻ dị ứng sữa bò thì mình không cho trẻ sử dụng sữa có thành phần đạm bò), theo dõi và điều trị triệu chứng của trẻ khi có dị ứng xảy ra. Ví dụ phát ban ngứa thì có thể sử dụng kháng histamin kèm kem bôi, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, adrenalin khi cần thiết theo phác đồ xử trí phản vệ.
- Corticosteroid đường toàn thân: được chỉ định dùng cho các trường hợp nặng, có thể dùng cho đường uống hoặc tiêm đường tĩnh mạch.
- Adrenalin được xem là thuốc quan trọng nhất trong điều trị sốc phản vệ do thức ăn. Tuy nhiên, khi điều trị Adrenalin bị thất bại thì bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc co mạch khác.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đi tầm soát dị ứng bằng cách test lấy da và xét nghiệm máu. Việc không phát hiện tình trạng dị ứng sữa ở trẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, sức khỏe lâu dài của trẻ.
Chọn sữa phù hợp
Nếu không may trẻ bị dị ứng với sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò, thì cha mẹ có thể cân nhắc một số loại sữa công thức áp dụng công nghệ mới: Sữa thủy phân chất đạm (protein) một phần hoặc toàn phần để phù hợp với cơ thể của trẻ nhỏ.
- Sữa thủy phân protein 1 phần: Có chữ HA trên bao bì sản phẩm, có khả năng làm giảm dị ứng ở trẻ.
- Sữa thủy phân protein toàn phần: Trong đó các protein sữa đã được phân lọc thành các phần nhỏ hơn giúp trẻ dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn
- Sữa công thức chứa các amino axit: Là loại sữa chứa các protein ở dạng đơn giản nhất vì các amino axit là đơn vị cơ bản để tạo nên protein. Đây là loại được đề nghị nếu trẻ vẫn có dấu hiệu bị dị ứng sau khi dùng sữa đã qua xử lí protein.
Đối với những trẻ bị dị ứng sữa công thức nặng, kể cả với những loại kể trên, các mẹ có thể cho con thử các loại sữa được làm từ thực vật như sữa công thức có nguồn gốc từ đậu nành, sữa gạo hoặc các dạng ngũ cốc khác. Tuy nhiên, các sữa thực vật sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ. Vì thế, với những trẻ bị dị ứng sữa công thức thì cha mẹ nên tập cho trẻ ăn dặm sớm, và khi trẻ được trên 3 tuổi thì có thể quay lại sử dụng sữa công thức sau khi được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa về Dị ứng.
Add comment