Dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai là tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Bên cạnh chế độ ăn cung cấp dinh dưỡng hợp lý thì phụ nữ mang thai cũng cần phải vận động, sinh hoạt hợp lý mang lại những lợi ích trong giai đoạn quan trọng này.
Những ảnh hưởng của chế độ ăn của mẹ tới thai nhi
Chế độ ăn, thực phẩm dinh dưỡng mà mẹ bầu tiêu thụ trong thời gian mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, có thể kể đến như:
Cân nặng của bé
Trong thời gian mang thai, nêu mẹ sử dụng những thực phẩm có chất dinh dưỡng tốt cho bà bầu như canxi, acid folic, omega-3,… thì sẽ giúp bé được phát triển cân nặng đầy đủ và ngược lại. Điều này lý giải tại sao mẹ gầy nhưng sinh con bụ bẫm hoặc mẹ đầy đặn nhưng sinh bé bị còi xương.
Các dưỡng chất thiết yếu cho sự tăng cân của bé trong 3 giai đoạn thai kỳ là:
- Lipid (chất béo): 47,5-53,5-72g/ngày
- Glucid (chất đường bột): 327-355-400g/ngày
- Protid (protein hay đạm): 61-70-91g/ngày
Canxi là dưỡng chất thiết yếu nhất, quyết định 90% đến sự phát triển chiều cao của bé trong bụng mẹ. Canxi giúp hình thành hệ xương vững chắc cho bé. Ngoài ra, còn có vitamin D giúp hấp thu canxi, protein. Nhu cầu:
- Canxi: 800-1500mg/ngày (3 tháng đầu 800mg/ngày; 3 tháng giữa 1000mg/ngày; 3 tháng cuối 1500mg/ngày)
- Vitamin D (D3): 600IU/ngày
Khả năng phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ
Các bác sĩ cho biết, trong thời gian mang thai, nếu chị em bị thiếu một số chất dinh dưỡng tốt cho bà bầu như acid folic, vitamin B6, sắt, kẽm… thì có nguy cơ trẻ sinh ra bị kém phát triển trí tuệ. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ bỏ ăn hoặc ăn uống thiếu chất thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị chậm nói, chậm phát triển sẽ càng cao.
Các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển não bộ của thai nhi là:
- Acid folic: 600 mg/ngày
- Choline: 450 mg/ngày
- DHA: khuyến nghị 140 mg/ngày
- Bên cạnh đó là Lipid
Chế độ ăn của mẹ bầu có liên quan đến các dị tật bẩm sinh
Trong 6 tháng đầu thai kỳ, nếu mẹ nạp những chất có hại vào cơ thể như caffeine, đồ uống có cồn hay các chất kích thích nặng đô có thể dẫn đến các dị tật như viêm phổi bẩm sinh, tim bẩm sinh. Đặc biệt, ở những mẹ thu nạp quá ít acid folic trong khi mang thai, nguy cơ thai nhi bị dị tật ống thần kinh dẫn đến tim mạch và bại liệt là càng cao.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai cần nhớ
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của mẹ đều cao hơn so với mức bình thường để phát triển một số cơ quan của cơ thể nhằm thích ứng với quá trình mang thai và nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh. Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:
Cân đối nhóm chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai cần đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu:
- Chất bột đường (carbohydrate)
- Chất đạm (protein)
- Chất béo (lipid)
- Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn cân đối các nhóm chất rất quan trọng để tránh thiếu năng lượng gây suy dinh dưỡng bào thai hay thừa năng lượng khiến mẹ tăng cân quá mức.
Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng trung bình khoảng từ 9 – 12 kg, trong đó tam cá nguyệt thứ nhất nên tăng từ 300 gram đến 1 kg, sau đó mỗi tuần sẽ tăng khoảng 300 gram trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
Đối với những mẹ bầu mang song thai, chỉ số cân nặng cần tăng cao hơn và bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo tốc độ tăng cân khác nhau.
![Dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 2 dinh duong cho ba me mang thai 1](https://suadinhduongyhoc.com.vn/wp-content/uploads/2023/08/dinh-duong-cho-ba-me-mang-thai-1.jpg)
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai 1 cách khoa học và lành mạnh vô cùng quan trọng, trong đó việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu là điều tiên quyết ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.
Sắt
Nhu cầu sắt của bà bầu theo khuyến cáo là 30mg sắt nguyên tố trên ngày trong suốt quá trình mang thai và sau sinh một tháng. Nếu chế độ ăn mẹ bầu không cung cấp đủ sắt dẫn tới thiếu sắt.
Ảnh hưởng của việc thiếu sắt:
- Đối với mẹ: Gây thiếu máu hồng cầu nhỏ ở mẹ, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, tai biến sản khoa (Băng huyết sau sinh, nhiễm khuẩn sau sinh…)
- Đối với bé: Bé nhẹ cân, giảm phát triển trí tuệ, thiếu máu sau sinh..
Các thực phẩm có nhiều sắt: Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, gan, tiết…các loại rau có nhiều sắt như rau dền, rau bina, các loại rau màu xanh…
Acid Folic
Chế độ ăn cho bà bầu không cung cấp đủ acid folic dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Acid folic có tác dụng chống lại thiếu sót của ống thần kinh. Nhu cầu khuyến cáo cho bà bầu là 400 – 800 mcg/ ngày.
Nguồn cung cấp acid folic: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… hoặc sử dụng viên uống có chứa acid folic.
Canxi
Canxi cần cho sự phát triển khung xương của thai nhi. Nhu cầu canxi trong suốt quá trình mang thai từ 800mg- 1000mg mỗi ngày, đặc biệt tăng trong giai đoạn cuối thai kỳ khoảng 1500mg trên ngày trong 3 tháng cuối và thời kỳ cho con bú. Chế độ ăn của mẹ bầu không cung cấp đủ canxi dẫn đến:
- Để cung cấp đủ cho thai thì cơ thể mẹ sẽ rút canxi từ xương của mẹ để bù lại lượng thiếu cho thai mẹ dễ bị đau nhức xương, răng dễ vỡ…
- Trẻ sinh ra có thể bị còi xương.
Thực phẩm chứa nhiều canxi: Sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, cá…Mẹ bầu có thể cung cấp qua ăn uống hoặc sử dụng viên uống bổ sung.
Kẽm
Nhu cầu kẽm cho mẹ bầu là 12mg/ ngày, chế độ ăn cho bà bầu nếu không cung cấp đủ kẽm, thiếu kẽm có thể dẫn đến:
- Sảy thai
- Thai chết lưu
- Sinh non hoặc thai bị già tháng
Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, hải sản…
Iod
Mỗi ngày phụ nữ có thai nên cung cấp đủ từ 175 đến 220mcg iod. Thiếu iod có thể gây ra nhiều nguy cơ như:
- Gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non.
- Khi thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn.
- Trẻ sơ sinh có thể bị khuyết tật bẩm sinh như nói ngọng, câm, điếc, liệt tay hoặc chân.
Nguồn cung cấp iod từ cá biển, sò, rong biển…. Phụ nữ mang thai nên sử dụng muối có hàm lượng iod cao.
Vitamin
- Vitamin A: Bổ sung vitamin A giúp tạo ra các tế bào cho các cơ quan bên trong bé, tăng sức đề kháng cho làn da, xương và giúp đôi mắt của bé thật khỏe mạnh. Tuy nhiên bà bầu lưu ý không nên bổ sung quá nhiều vitamin A (trên 10.000 IU) bởi nó có thể có hại cho em bé, vì vậy đừng lạm dụng vitamin A bổ sung.
- Vitamin D: Vitamin D giúp cho cơ thể sử dụng tốt canxi và phốtpho, giúp xây dựng xương, mô và răng. Bà bầu hãy bổ sung khoảng 10mcg vitamin D mỗi ngày với các loại thực phẩm như: lòng đỏ trứng, cá mòi, cá hồi đóng hộp. Tắm nắng buổi sáng hoặc cuối giờ chiều cũng là một cách để bổ sung vitamin D
- Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hoá, có nghĩa là nó giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả mẹ và bé. Hãy bổ sung khoảng 65mg mỗi ngày bằng khẩu phần ăn như sau: 1/2 bát quả họ cam quýt, nước quả, 1/2 quả bưởi, quả cam cỡ trung bình, ½ bát dưa hấu, 1/2 bát bắp cải cắt nhỏ hoặc xà lách trộn, 2/3 bát súp lơ xanh nấu chín, 1 quả cà chua lớn.
- Vitamin E: Vitamin E có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và sức khỏe của hệ miễn dịch và làn da mẹ và em bé. Đồng thời, nó cũng là chất chống oxi hóa cần để bảo vệ võng mạc và phổi của trẻ sơ sinh vì chúng phải thích nghi với môi trường mới sau khi ra đời. Bà bầu có thể bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin E như quả óc chó, bơ, cam, quýt, ổi, rau lá xanh, đậu phụ, hải sản… Tuy nhiên bà bầu không nên bổ sung quá nhiều vitamin E vì nó là nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ, nhất là dị tật tim và mắc bệnh hen suyễn. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên bổ sung tối đa từ 15- 19 mg vitamin E mỗi ngày.
Các chế phẩm từ sữa
Sữa dinh dưỡng và các chế phẩm giàu axit folic và canxi (bao gồm cả sữa dinh dưỡng cho bà bầu cung cấp các chất dinh dưỡng một cách tương đối cân bằng).
Sữa nên được uống vào buổi sáng sau ăn sáng 30 phút và buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút, mỗi lần 1 ly 100ml. 3 tháng cuối thai kỳ có thể tăng thêm 1 ly vào buổi trưa sau khi ngủ dậy. 1 hộp sữa chua cũng có hàm lượng dinh dưỡng tương đương.
Bạn có thể tham khảo các dòng sữa công thức đầy đủ dinh dưỡng cho bà mẹ tại đây: Sữa cho bà bầu
Dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai là rất quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ sau này. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý cung cấp đủ những nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thai nhi một cách hoàn thiện nhất.
Thức ăn cần tránh
Trong mỗi giai đoạn phát triển của bào thai, mẹ bầu cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để thai nhi phát triển tối ưu. Nhưng dù ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối, thực đơn của mẹ cần tránh các loại thực phẩm, đồ uống sau:
- Rượu
- Cá có hàm lượng thủy ngân cao
- Cá, thịt, trứng sống hoặc chưa nấu chín
- Caffeine
- Sữa, nước ép trái cây chưa tiệt trùng, phô mai
- Sản phẩm chưa rửa
- Thực phẩm chế biến sẵn
Những lưu ý trong chế độ ăn của mẹ bầu
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho bà bầu là cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại chưa biết cách thu nạp dinh dưỡng khoa học, dẫn đến thiếu hoặc thừa chất quá mức. Các chuyên gia đưa ra một số lưu ý trong chế độ ăn của mẹ bầu bao gồm:
- Không cần thiết phải kiêng khem quá nhiều loại thực phẩm trừ khi có sự căn dặn của bác sĩ.
- Không nhịn ăn để giảm cân, cũng không được giảm ăn do ốm nghén. Trong trường hợp mẹ bị chán ăn, mẹ hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ, đảm bảo bản thân không bị đói.
- Đa dạng hóa các món ăn hằng ngày. Đặc biệt cần bổ sung nhiều hoa quả và rau củ để cung cấp chất xơ và vitamin, khoáng chất.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ nhiều dầu mỡ. Những thực phẩm này có thể làm gia tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu.
Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân đối là cần thiết để có sức khỏe tốt cho cả người mẹ lẫn thai nhi. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, đủ sức để “vượt cạn” trong cuộc đẻ, mau phục hồi sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.
Add comment