Mọc răng sữa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện và phát triển của trẻ những năm đầu đời. Nhưng nhiều trẻ lại gặp trình trạng chậm mọc răng, tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vậy khi trẻ mọc răng chậm thì cần can thiệp xử lý như thế nào?
Quá trình mọc răng ở trẻ nhỏ
Khi trẻ sơ sinh mới chào đời sẽ không có bất kỳ chiếc răng nào trong miệng cho đến khi được 6 tháng tuổi sẽ mọc lên chiếc răng sữa đầu tiên. Vào tháng 12 sẽ có khoảng 6 răng và khi tròn 24 tháng sẽ có đầy đủ bộ răng sữa gồm có 20 chiếc răng, trong đó có 10 răng ở hàm trên và 10 răng ở hàm dưới.
Thời gian mọc răng có thể khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển thể chất của mỗi bé. Có những bé khi được 4 – 5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có một số trường hợp đến khi khoảng 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên trên cung hàm. Tuy nhiên, nếu quá trình mọc răng bắt đầu xảy ra trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn được coi là phát triển bình thường.
Cụ thể thời gian mọc răng diễn ra như sau:
- Từ 6 – 9 tháng: Bốn răng cửa giữa
- Từ 7 – 10 tháng: Hai răng cửa trên
- Từ 12 – 14 tháng: 4 răng hàm sữa
- Từ 16 – 18 tháng: 4 răng nanh sữa
- Từ 20 – 30 tháng: Bốn răng hàm sữa cuối cùng
- Răng vĩnh viễn bắt đầu mọc từ 6 đến 12 tuổi.
- Răng khôn thì mọc muộn hơn hẳn, khoảng sau 17 tuổi.
Trẻ sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau đây khi mọc răng:
- Chảy nước dãi do quá trình mọc răng kích thích làm cho nước dãi chảy nhiều hơn bình thường.
- Nổi mẩn ở cằm do nước dãi chảy quá nhiều và tiếp xúc với da mặt, miệng và đôi khi là cả cổ gây ra nổi mẩn.
- Có xu hướng thích nhai hoặc cắn đồ vật: Nguyên nhân của hiện tượng này là do áp lực khi mầm răng bắt đầu mọc xuyên qua lợi sẽ khiến trẻ thấy khó chịu nên có xu hướng muốn gặm bất cứ cái gì chúng có trong tay.
Khi trẻ mọc răng chậm
Chậm mọc răng là hiện tượng trẻ chậm mọc răng sữa. Cụ thể, nếu ngoài 12 tháng tuổi, trẻ vẫn chưa bắt đầu mọc răng sữa thì đó chính là vấn đề chậm mọc răng.
Có những trường hợp trẻ chậm mọc răng nhưng cơ thể vẫn phát triển bình thường. Vậy thì chứng tỏ vấn đề này nằm ở yếu tố sinh lý của trẻ.
Trong trường hợp trẻ chậm mọc răng kèm theo những biểu hiện như còi cọc, chậm phát triển chiều cao, cân nặng, khó ngủ, … Vậy thì khả năng cao trẻ bị chậm mọc răng là cho chế độ ăn uống chưa hợp lý. Cơ thể trẻ chưa được đảm bảo về dinh dưỡng.
Nếu trẻ chậm mọc răng là do yếu tố bẩm sinh thì không phải vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, có những trường hợp không đơn giản như vậy. Nhiều bé mãi không mọc răng là do cơ thể đang phải chịu sự ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan với việc trẻ chậm mọc răng. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được kiểm tra.
Nguyên nhân khiến trẻ mọc răng chậm
Di truyền
- Lý do trẻ mọc răng chậm chủ yếu đến từ yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người từng bị mọc răng trễ thì khả năng cao trẻ có tình trạng tương tự.
Bệnh lý
- Các bệnh lý như suy tuyến giáp, hội chứng Down… cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng. Kéo theo đó là sự xuất hiện một số vấn đề nguy hiểm khác như chậm nói, chậm đi, thừa cân… ở trẻ.
Bị thiếu dinh dưỡng
- Một tác nhân gây ra mọc răng muộn là thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là Canxi và Vitamin D, vì chế độ ăn uống không đảm bảo hoặc cơ thể trẻ kém hấp thu. Cụ thể hơn là trẻ không được ăn đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu và bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu; hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng vi sinh, dị ứng thức ăn, nhiễm ký sinh trùng đường ruột…
Nguyên nhân khác
- Ngoài những yếu tố trên, nếu trẻ mắc một vài bệnh liên quan đến răng miệng như răng bị tổn thương, viêm lợi, nhiễm khuẩn khoang miệng… hay sinh thiếu tháng thì cũng có nguy cơ mọc răng chậm hơn bình thường.
Mọc răng chậm có thể gây ảnh hưởng gì?
Mọc răng chậm là hiện tượng diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều trẻ em hiện nay. Vấn đề này tuy không quá nghiêm trọng, nhưng phụ huynh không nên chủ quan vì nếu hiện tượng này diễn ra quá lâu có thể dẫn đến một số biến chứng không tốt trong tương lai như:
- Răng vĩnh viễn mọc chậm do răng sữa mọc quá chậm.
- Xảy ra tình trạng “hàm răng đôi” do răng sữa mọc đồng thời cùng răng vĩnh viễn, làm cho trên cung hàm có hai loại răng gây ảnh hưởng thẩm mỹ và cản trở vệ sinh răng miệng.
- Viêm quanh thân răng do răng nằm bên dưới nướu hoàn toàn hoặc một phần và không được vệ sinh sạch sẽ.
- Sâu răng ngay cả khi răng vẫn còn đang nằm dưới bên dưới nướu và nghiêm trọng hơn là tình trạng này có khả năng lây lan, khiến trẻ bị sâu nhiều răng cùng lúc.
Ngoài ra, mọc răng chậm còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác như suy dinh dưỡng, suy tuyến giáp, hội chứng Down… Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy trẻ mọc răng trễ, lời khuyên tốt nhất cho mẹ là đưa con đến bác sĩ để chẩn đoán và xử lý càng sớm càng tốt.
Cách xử lý khi trẻ bị mọc răng chậm
Để cải thiện tình trạng răng mọc muộn ở trẻ, mẹ có thể:
- Cho bé tắm nắng: Vitamin D (đặc biệt là Vitamin D3) là dưỡng chất chủ yếu được tổng hợp qua da. Do đó, tắm nắng vào buổi sáng khoảng 10 – 15 phút và trước 9h sáng là một cách hữu ích giúp cơ thể hấp thụ vitamin D một cách tự nhiên nhất và không làm hại da.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Đối với trẻ 0 – 6 tháng tuổi, mẹ giúp con vệ sinh nướu, lưỡi bằng gạc sạch thấm nước (hoặc nước muối) từ 1 – 2 lần/ngày. Còn trẻ từ 6 tháng trở lên, mẹ sử dụng bàn chải lông mềm để đánh răng và chà lưỡi từ 1 – 2 lần/ngày.
- Rèn luyện thói quen sinh hoạt lành mạnh: Mẹ nên tập cho trẻ ăn uống đúng bữa, ngủ nghỉ đúng giờ, giúp cơ thể khỏe mạnh và hấp thu dinh dưỡng tối ưu.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng thích hợp: Mẹ cân nhắc xây dựng lại chế độ ăn uống của con, sao cho vừa có đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), vừa tập trung bổ sung dưỡng chất tốt cho xương – răng như Vitamin (D, A, C, B, E…), Canxi, Photpho, Sắt, I-ốt…
Theo đó, với trẻ còn bú mẹ, mẹ nên tự bổ sung thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D trong bữa ăn hàng ngày như phô mai, sữa chua, cải xoăn, đậu phụ, bí đỏ…. Còn với trẻ đang dùng thêm sữa dinh dưỡng, mẹ ưu tiên chọn sản phẩm bổ sung Canxi và Vitamin D với hàm lượng phù hợp theo độ tuổi.
Khi trẻ có tình trạng mọc răng chậm với thời gian quá 12 tháng mà vẫn chưa mọc thì phụ huynh nên đưa đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân. Trẻ sẽ được thăm khám tổng quát và xác định các vấn đề liên quan để tìm ra hướng giải quyết. Thời gian định kỳ đưa trẻ đi thăm khám được các chuyên gia khuyến cáo là 6 tháng/ lần.
Add comment