Tắm rửa, vệ sinh cơ thể là một trong những bước quan trọng trong quy trình chăm sóc trẻ. Nhưng đối với nhiều bố mẹ, việc tắm cho trẻ sơ sinh là một thử thách vô cùng lớn. Việc tắm cho trẻ phải đòi hỏi thời gian tắm, nhiệt độ và nhiều yếu tố khác. Vậy cách tắm cho trẻ sơ sinh an toàn nhất là gì?
Tắm cho trẻ sơ sinh mỗi ngày có cần thiết?
Việc tắm rửa hằng ngày đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với trẻ nhỏ thì quá trình trao đổi chất và bài tiết sẽ diễn ra rất nhanh. Vì vậy, trẻ sơ sinh nên được tắm rửa thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, gây viêm da cũng như các bệnh về da liễu khác.
Nếu không vệ sinh cơ thể bé đều đặn, các lỗ chân lông bị bít tắc, gây ra ngứa ngáy, sẽ khiến bé khó chịu và có thể gây viêm nhiễm. Như vậy, việc tắm bé sơ sinh hằng ngày là vô cùng cần thiết. Cha mẹ nên chủ động tìm hiểu, kết hợp sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh để bảo vệ làn da cũng như sức khỏe của bé.
Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ?
Thực tế, không có mốc thời gian cố định về việc tắm cho trẻ sơ sinh. Mẹ có thể tự sắp xếp thời gian tắm cho trẻ sao cho thuận tiện nhất. Một số chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên tắm cho trẻ trong khoảng thời gian khi có ánh nắng mặt trời, trong khoảng từ 10 giờ – 11 giờ sáng hay 15 giờ – 16 giờ chiều bởi lúc này trời còn nắng, không khí ấm áp, dễ chịu.
Một số thời điểm mẹ không nên tắm cho trẻ:
- Khi trẻ đang ngủ
- Khi trẻ đang đói hoặc mới vừa ăn no
- Khi trẻ sốt cao, bị ốm
- Khi trẻ đang thấy lạnh.
Nên tắm cho trẻ sơ sinh trong thời gian bao lâu?
Cơ thể trẻ sơ sinh hiện vẫn chưa thể tự điều chỉnh nhiệt độ nên trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Hơn nữa, da của trẻ sơ sinh khá mỏng manh nên bố mẹ lưu ý không nên tắm cho trẻ quá lâu. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh chỉ nên tắm cho trẻ sơ sinh 5 – 10 phút/lần nhằm giúp tránh làm khô da trẻ và các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, sau khi tắm cho trẻ, mẹ nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh để giúp da bé luôn mềm mại, khỏe mạnh.
Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu?
Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt, thường mỏng hơn da của người trưởng thành khoảng 20 – 30%. Do vậy, nước tắm cho trẻ sơ sinh cần được điều chỉnh ở mức độ phù hợp, không quá nóng hay quá lạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên tắm cho trẻ với nước ấm có nhiệt độ khoảng từ 36 – 37 độ C. Với nhiệt độ này, bố mẹ có thể giúp trẻ cảm nhận tốt hơn về việc tắm, giúp trẻ thư giãn và dễ chịu hơn. Hơn nữa, tắm nước ấm tạo cho trẻ cảm giác bồng bềnh như khi còn trong bụng mẹ, giúp trẻ trở nên bình tĩnh, không quấy khóc gây khó khăn cho bố mẹ khi đang tắm.
Ngoài ra, khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên chú ý đến nhiệt độ và độ thông thoáng của không gian tắm. Trẻ sơ sinh nên được tắm trong phòng kín gió. Khi thời tiết khô lạnh, mẹ có thể dùng thêm máy sưởi hay máy điều hòa không khí để tăng nhiệt độ phòng, giúp phòng tắm trở nên ấm áp, thoải mái hơn. Vào mùa hè, thời tiết nóng, mẹ có thể bật quạt hay dùng điều hòa để làm mát không gian nhưng lưu ý nhiệt độ phòng nên ở khoảng 29-30 độ C.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh an toàn
Chuẩn bị trước khi tắm cho bé
- Quần áo, tã giấy, khăn, tất chân, bao tay, mũ, bông gòn và cồn 70 độ vệ sinh rốn cho trẻ.
- Thau tắm chứa nước ấm từ 36- 37 độ C (dùng khuỷu để kiểm tra độ ấm của nước, tránh trường hợp tắm bằng nước quá nóng cho trẻ).
- Sữa tắm, dầu gội, phấn rôm, dầu thoa dành riêng cho trẻ sơ sinh.
- Phòng tắm kín gió, đủ ánh sáng, nhiệt độ phòng duy trì trong khoảng 29 – 30 độ C, không bật điều hòa, quạt khi tắm bé (vào mùa đông có thể dùng máy sưởi để làm ấm khi tắm bé).
Thực hiện tắm cho trẻ sơ sinh an toàn
- Tư thế tắm cho bé: Khi em bé tắm nên để bé ngồi thoải mái trên một chiếc ghế thấm. Bế bé trên cánh tay trái hoặc phải, đầu bé nằm gọn trong lòng bàn tay và lưng nằm trên cánh tay. Phần mông của trẻ được đặt lên đùi của mẹ.
- Rửa mặt: Dùng khăn mềm thấm nước ấm, vắt khô rồi nhẹ nhàng lau mặt, lau mắt, sống mũi, tai, cổ cho bé.
- Gội đầu: Dùng ngón tay cái và ngón tay giữa của bàn tay trái bịt lỗ tai của trẻ để tránh nước có thể vào tai bé trong quá trình tắm gội. Dùng tay phải gội đầu cho trẻ bằng cách xoa nhẹ nhàng để lấy đi những tế bào chết có trên da bé bằng nước ấm, sau đó dùng khăn lau khô tóc bé.
- Tắm toàn thân: Cởi quần áo, tã giấy ra khỏi người bé. Mẹ nhẹ nhàng dội nước lên người trẻ và vệ sinh cho trẻ theo thứ tự cổ, thân, chân, tay, vùng sinh dục… Cho bé vào thau tắm, tắm toàn thân cho trẻ bằng sữa tắm. Khi tắm các mẹ cần chú ý vệ sinh sạch vùng kín, bẹn, khủy tay, khủy chân, mông, nách…
- Tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn: Trong trường hợp này mẹ cần tắm cẩn thận và tuyệt đối không để nước rơi vào cuống rốn của bé nhằm tránh nhiễm trùng.
Chăm sóc bé sơ sinh sau khi tắm
- Sau khi bé được tắm xong, mẹ nhanh chóng lau khô người bằng khăn mền sạch rồi thoa phấn rôm vào phần: Cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay, khủy chân.
- Trẻ chưa rụng rốn, mẹ nên dùng cồn 70 độ để sát trùng và nhẹ nhàng thay băng rốn cho trẻ. Nếu phát hiện rốn trẻ sưng tấy, có mủ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám và điều trị nhanh nhất.
- Cuối cùng mặc tã giấy, quần áo sạch, bao chân, bao tay, mũ, khăn cho bé.
Lưu ý sau khi tắm cho trẻ sơ sinh
- Chuẩn bị tất cả các dụng cụ tắm cần thiết và để sẵn để sau khi tắm, bạn có thể mặc đồ ngay.
- Hãy chắc chắn đóng các cửa phòng để phòng trở nên ấm áp, con không bị cảm lạnh.
- Cho nước trong thau tắm khoảng 5-7cm, bạn nên kiểm tra nhiệt độ nước ở mức vừa phải, không nên để quá nóng vì sẽ khiến con bị bỏng.
- Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ phù hợp với làn da em bé và liều lượng ít. Sử dụng quá nhiều sữa tắm sẽ khiến làn da của trẻ bị khô.
- Đối với trẻ chưa rụng rốn, khi tắm cho bé mẹ cần phải hạn chế thấm nước vào khu vực này vì rất dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng.
- Bôi dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh sau khi tắm là một bước cần thiết làm dịu da trẻ, giúp trẻ thoải mái hơn, đặc biệt là khi da trẻ bị khô, chàm hay kích ứng.
- Trẻ sơ sinh chỉ cần tắm khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần, miễn là bạn vệ sinh tốt những khu vực như mặt, cổ, miệng, tay chân và bộ phận sinh dục hàng ngày.
Add comment