Một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Các bữa ăn cho người bị tiểu đường, cho dù là bữa ăn chính hay bữa ăn nhẹ, đều cần có những thành phần cân bằng gồm protein, carb và chất béo lành mạnh. Việc ăn chay rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng đó phải là một chế độ ăn chay đủ chất nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, đồng thời không làm tăng đường huyết.

Người tiểu đường ăn chay được không?

Người bệnh tiểu đường có thể ăn chay ngắn ngày và bổ sung các dưỡng chất theo tư vấn của bác sĩ để không rơi vào suy dinh dưỡng. Bởi với chế độ ăn chay chứa nhiều rau củ quả tươi sống, đầy đủ vitamin và chất xơ, bổ sung chất béo tốt từ thực vật, giúp cải thiện nguồn chất béo động vật… sẽ rất tốt cho sức khỏe nhiều người, kể cả người tiểu đường.

Tuy nhiên, người bệnh nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình (GI dưới < 70) và tải lượng đường huyết thấp (GI dưới 10). Bởi tùy loại thực phẩm mà người bệnh ăn vào sẽ khiến lượng đường trong máu tăng hoặc giảm khác nhau. Do đó, người bệnh an tâm chọn được thực phẩm có chỉ số GI, GL thấp góp phần ổn định đường huyết khi ăn chay.

Chế độ ăn chay cho người bệnh tiểu đường

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, việc theo một chế độ ăn thuần chay sẽ cần lập kế hoạch trước. Người bệnh tiểu đường ăn chay cần duy trì lượng carbs nạp vào cơ thể trong suốt cả ngày (vì carbs ảnh hưởng tới lượng đường trong máu nhiều hơn so với chất béo và protein). Các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ của bệnh nhân nên có thành phần cân bằng gồm carbs, protein và chất béo lành mạnh.

Tất cả những điều trên hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Điều này có thể hơi khó khăn đối với những người chưa quen với chế độ ăn thuần chay. Dưới đây là một số ví dụ về carbs, protein và chất béo mà bạn có thể dùng để xây dựng bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ nếu bạn theo một chế độ ăn thuần chay cho người mắc bệnh tiểu đường:

  • Carbs: Bột ngũ cốc nguyên hạt (mì ống, bánh mì), gạo, yến mạch, khoai tây, trái cây (tươi, đông lạnh, đóng hộp không đường), ngô;
  • Protein: Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ), đậu lăng, đậu Hà Lan, lạc, bơ hạt, các loại hạt;
  • Chất béo: Dầu oliu, dầu bơ, bơ, dừa, các loại hạt.

Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu và ngũ cốc chứa hỗn hợp carbs, protein và chất béo, giúp tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bạn. Ngoài ra, chất xơ (một loại carbs khó tiêu hóa) có trong hầu hết các thực phẩm từ thực vật. Chất xơ giúp người dùng no lâu hơn và giảm tác động đến lượng đường trong máu.

Dựa trên loại bệnh tiểu đường bạn mắc phải (tuýp 1 hay tuýp 2), mức độ hoạt động thể chất, tuổi tác, giới tính, các yếu tố khác,… bác sĩ sẽ giúp bạn xác định được lượng carbs tối ưu mà bạn cần trong mỗi bữa ăn hằng ngày.

Lợi ích của việc ăn chay đối với người tiểu đường

Một số lợi ích tiềm năng của việc người bị tiểu đường ăn chay gồm: Cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, độ nhạy insulin và kiểm soát cân nặng.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Món chay cho người tiểu đường gồm nhiều loại rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… vốn chứa nhiều chất xơ giúp ổn định đường huyết. Bởi cơ thể không thể hấp thụ và phân hủy chất xơ nên không tạo ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu như các loại carbohydrate khác. Điều này không chỉ tốt cho người tiểu đường mà còn giúp cho người bệnh ở giai đoạn tiền tiểu đường ngăn chuyển sang tiểu đường.

Kiểm soát cân nặng

Người bệnh tiểu đường không phải ăn mỡ, da động vật (da heo, da gà, da vịt…) góp phần giảm lượng chất béo xấu, vốn gây tăng cân. Trong khi, chất xơ trong rau củ quả giúp người bệnh thấy no nhanh và no lâu; do đó không phải ăn quá nhiều gây tăng cân, đồng thời hạn chế đưa thêm lượng đường vào máu. Chế độ ăn chay toàn thực phẩm thường chứa ít calo, giúp ổn định cân nặng nhưng nếu ăn ít chất xơ sẽ mau thấy đói, nếu không kiểm soát khẩu phần ăn hoặc ăn thực phẩm giàu chất béo như pho mát cũng có thể tăng cân.

Tăng độ nhạy với insulin

Có 2 loại chất xơ, hòa tan và không hòa tan. Mỗi loại chất xơ đóng  vai trò khác nhau trong cơ thể. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu, ngăn hoặc kiểm soát các biến chứng tiểu đường. Chất xơ hòa tan có  trong đậu đen, chuối, táo, yến mạch, đậu Hà Lan… Còn chất xơ không hòa tan hỗ trợ độ nhạy insulin và giúp đường ruột đi ngoài đều đặn. Chất xơ không hòa tan có trong bột mì nguyên chất, cám, quả hạch, hạt và vỏ của nhiều loại trái cây và rau quả. Người trưởng thành nên ăn từ 22 – 34 gam chất xơ/ngày và ăn đa dạng thực phẩm để có nhiều nguồn chất xơ khác nhau. Nhờ sự hỗ trợ tăng độ nhạy với insulin nên người bệnh có cơ hội ít dùng thuốc điều trị hơn và hạn chế các biến chứng do tiểu đường gây ra.

Giảm mỡ máu

Chế độ ăn chay nhiều chất xơ giúp giảm hấp thụ cholesterol xấu, giảm cả chất béo trung tính (glyceride), tăng chất chống oxy hóa, hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch.

nguoi benh tieu duong co nen an chay 1

Đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể

Nhược điểm và cách đối phó với chế độ ăn thuần chay cho người tiểu đường

Có một số nhược điểm tiềm ẩn của chế độ ăn thuần chay nói chung, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường. May mắn là những nhược điểm này hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn lập kế hoạch ăn uống một cách cẩn thận.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Những người bị tiểu đường ăn chay có thể gặp nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B6, B12, niacin, sắt, iod, kẽm, canxi, chất béo Omega-3,… Tuy nhiên, bạn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng này bằng cách tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm từ thực vật giàu dưỡng chất trên:

  • Vitamin B6: Có trong khoai tây, đậu gà, chuối, ngũ cốc
  • Vitamin B12: Có trong men dinh dưỡng, ngũ cốc
  • Sắt: Có trong đậu trắng, đậu lăng, socola đen, đậu phụ, rau bina, ngũ cốc
  • Canxi: Có trong nước cam, đậu phụ, ngũ cốc, cải xoăn, của cải xanh
  • Chất béo Omega-3: Có trong hạt lanh, hạt chia, dầu đậu nành, dầu hạt cải
  • Iod: Có trong rong biển, muối id, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành
  • Kẽm: Có trong hạt bí ngô, ngũ cốc, hạt điều, hạnh nhân, đậu gà, đậu tây.

Thiếu hụt chất đạm

Những người ăn chay trường, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường ăn chay có thể không bổ sung đủ protein và các loại axit amin (thành phần cấu tạo của protein) để duy trì sức khỏe. Protein rất cần thiết để tạo ra các mô mới của cơ thể và các axit amin cũng đóng nhiều vai trò khác nhau đối với sức khỏe.

Dù vậy, nhược điểm trên hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu protein từ thực vật như:

  • Đậu nành: Đậu hũ, đậu nành đen, sữa đậu nành
  • Các loại đậu: Đậu đen, đậu xanh, lạc, bơ lạc, đậu lăng, đậu tây, đậu Hà Lan
  • Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt mắc-ca, quả phỉ, bơ hạt, sữa hạt, hạt lanh, hạt chia, hạt hướng dương, hạt bí ngô
  • Ngũ cốc: Quinoa, yến mạch
  • Bột protein: Protein đậu, protein đậu nành.

Ngoài ra, hầu hết các nguồn cung cấp protein thuần chay không chứa tất cả các loại axit amin thiết yếu cho cơ thể với lượng phù hợp. Để đảm bảo nhận được đầy đủ axit amin cần thiết, người theo chế độ ăn thuần chay nên kết hợp các nguồn protein thực vật khác nhau trong bữa ăn hằng ngày.

Tiêu thụ quá nhiều carbs

Một nhược điểm khác mà người tiểu đường ăn chay có thể gặp phải chính là lạm dụng quá nhiều carb, có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Thực tế, thực phẩm từ thực vật có xu hướng chứa nhiều carbs hơn so với thực phẩm từ động vật. Vì vậy, chế độ ăn thuần chay sẽ cung cấp lượng carbs cao hơn so với chế độ ăn bình thường. Nếu bạn ăn nhiều thực phẩm thuần chay đã qua chế biến, bạn có thể ăn quá lượng tinh bột được khuyến nghị.

Mặc dù carbs là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường nhưng điều quan trọng là bạn cần phải điều hòa lượng carbs ăn vào để duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định, khỏe mạnh. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về lượng carbs tối ưu cần bổ sung vào chế độ ăn uống của mình.

Lời khuyên cho người bệnh tiểu đường ăn chay

  • Ăn nhiều rau không có tinh bột: Các loại rau không chứa tinh bột có rất ít carbs nhưng lại đầy đủ chất xơ và chất dinh dưỡng. Chúng giúp bạn cảm thấy no và ngon miệng mà không tác động nhiều tới lượng đường trong máu.
  • Cân bằng bữa chính và bữa phụ: Bạn nên đảm bảo rằng mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều đảm bảo sự cân bằng lành mạnh giữa các thành phần carbs, protein và chất béo cùng với một số loại rau không chứa tinh bột.
  • Bổ sung dưỡng chất phù hợp: Chế độ ăn thuần chay có thể thiếu bạn bị thiếu hụt một số dưỡng chất nhất định. Vì vậy, việc bổ sung dưỡng chất là cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để đánh giá xem bạn có bị thiếu sắt, vitamin B12 và vitamin D không. Nếu có, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
  • Ăn nhiều nguồn protein thực vật: Điều này đảm bảo bạn nhận được các axit amin thiết yếu với lượng cần thiết cho sức khỏe.
  • Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu: Nếu bị tiểu đường, kể cả khi bạn không ăn chay trường thì bạn cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để biết được tình trạng sức khỏe của mình và thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào.
  • Tránh ăn quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến: Các thực phẩm đã qua chế biến, bao gồm cả thực phẩm thuần chay, thường chứa nhiều đường và chất phụ gia, ít chất xơ và protein. Điều đó cũng tương tự đối với nước ép trái cây và nước ngọt có ga. Vì vậy, mặc dù không nhất thiết phải tránh hoàn toàn những thực phẩm này nhưng bạn cũng nên hạn chế chúng, đặc biệt là nếu bạn khó kiểm soát lượng đường trong máu. Việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây tăng cân, tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, huyết áp cao và một số loại ung thư.
  • Tránh những bữa ăn ít chất béo và ít protein: Bạn cũng nên tránh những bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ chỉ gồm carbs mà chứa ít chất béo hoặc protein. Protein có thể làm giảm ảnh hưởng của carbs tới lượng đường trong máu và làm tăng cảm giác no. Ngoài ra, các nguồn chất béo như dầu oliu có thể mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe tim mạch và tăng cường hấp thu một số chất dinh dưỡng.

Nếu bạn là người không may mắc bệnh tiểu đường mà không trong chế ăn chay, bạn hãy tham khảo các dòng sữa dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người tiểu đường tại đây nhé: Sữa tiểu đường