Ngoài sữa mẹ, sữa công thức là một trong những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy không phải là một tình trạng hiếm gặp. Vậy khi gặp tình trạng trẻ uống sữa bị tiêu chảy thì phải xử lý như thế nào?

Vì sao trẻ uống sữa bị tiêu chảy?

Sữa cung cấp hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, protein,… Với trẻ nhỏ, sữa giúp tăng cường hệ miễn dịch, phát triển chiều cao tối ưu và tăng cường hệ miễn dịch.

Dù vậy, không ít trẻ uống sữa bị tiêu chảy bởi các nguyên nhân:

Chọn sữa không phù hợp với trẻ

Ở một số trẻ uống sữa bị tiêu chảy là do cơ địa không phù hợp với loại sữa đang dùng. Ngoài ra, nếu ba mẹ lựa chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi của con cũng dẫn đến tình trạng bé khó hấp thu, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện

Trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện về cấu trúc và chức năng. Do đó, trẻ rất dễ mắc phải tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ gặp vấn đề tiêu hóa bẩm sinh.

Khi trẻ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, ăn dặm hay ăn các loại thức ăn mới khác hoặc khi mẹ thay đổi loại sữa cho trẻ, hệ tiêu hóa chưa thể thích nghi ngay với thức ăn đó. Điều này làm tăng nguy cơ bé bị tiêu chảy.

Do trẻ không dung nạp Lactose

Cơ thể không dung nạp lactose là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa. Lactose là một loại đường trong sữa và các chế phẩm từ sữa động vật, có vai trò cung cấp glucose cho các hoạt động của não bộ và cơ thể, kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch. Khi trẻ không dung nạp được lactose, lượng lactose này sẽ chuyển hóa thành acid lactic, khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như phân chua, da quanh hậu môn hăm đỏ, trướng bụng,…Trẻ càng tiêu thụ nhiều lactose, tình trạng tiêu chảy và các triệu chứng càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân khiến trẻ không dung nạp lactose:

  • Bẩm sinh: Bất dung nạp lactose bẩm sinh là một trình trạng hiếm gặp, xảy ra do các rối loạn nhiễm sắc thể ngăn chặn sản xuất men lactase.
  • Nguyên nhân nguyên phát: Trẻ thiếu men lactase để tiêu hóa lactose. Phần lớn các trường hợp không dung nạp lactose ở trẻ đều do nguyên nhân này.
  • Nguyên nhân thứ phát: Tình trạng này xảy ra do trẻ bị tổn thương ruột non sau viêm dạ dày và có thể hồi phục sau khi viêm dạ dày được chữa khỏi.
danalac lf lactose free 400g tre uong sua bi tieu chay
Sử dụng sữa không chưa lactose cho trẻ

Do trẻ dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng cơ thể trẻ coi đạm sữa bò là một tác nhân gây hại, từ đó, kích thích sản xuất IgE để phản ứng với các protein này và gây ra các triệu chứng như nổi mẩn, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện trong 1 – 2 giờ sau khi trẻ uống sữa. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, các triệu chứng diễn ra nặng nề hơn, có thể có nôn mửa, tiêu chảy mạnh, phân có máu và dịch nhầy.

Tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có nguy cơ xảy ra cao ở trẻ dưới 1 tuổi và thường sẽ tự hết sau khi trẻ được khoảng 5 tuổi. Thống kê cho thấy, có khoảng 2 – 7.5% trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại dị ứng thường gặp ở trẻ. Đa số các loại sữa công thức hiện có trên thị trường đều chứa đạm sữa bò là thành phần chính.

Hơn nữa, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền. Trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò cao nếu sinh ra trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với thức ăn, thuốc, bị hen, viêm mũi dị ứng và viêm da cơ địa.

Chất lượng sữa kém

Hiện nay, trên thị thường có nhiều loại sữa giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc bị trộn lẫn với sữa thật. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị tổn thương. Do đó khi uống sữa kém chất lượng, trẻ rất dễ bị tiêu chảy.

Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác nhau, trẻ có thể chỉ phù hợp với một số thành phần nhất định trong sữa. Đối với các thành phần không phù hợp, trẻ có thể bị dị ứng, kém dung nạp, rối loạn tiêu hóa.

Do mất cân bằng vi sinh đường ruột

Hệ vi sinh đường ruột của trẻ được duy trì bằng sự cân bằng giữa lợi khuẩn và khuẩn gây hại. Tuy nhiên, do tác động từ bên ngoài hoặc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, trẻ có thể bị loạn khuẩn trong đường ruột. Lúc này, hại khuẩn sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, lấn áp và làm suy giảm chức năng của lợi khuẩn. Từ đó, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Pha sữa sai cách

Không tiệt trùng dụng cụ pha sữa trước khi dùng, không rửa tay với dung dịch khử khuẩn trước khi pha sữa, để sữa qua đêm hoặc để trong thời gian quá dài,… là những yếu tố tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn và virus xâm nhập. Điều này có thể gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, việc pha sữa quá đặc cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy ở trẻ.

Do bảo quản sữa không đúng hướng dẫn

Quá trình lưu trữ không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Nếu hộp sữa không được đậy kín, trong môi trường ẩm ướt hoặc có nhiệt độ cao, các thành phần có trong sữa có thể bị biến chất và vi khuẩn, nấm mốc có thể xâm nhập vào sữa. Điều này sẽ làm thay đổi mùi vị và màu sắc của sữa, đồng thời, khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

tre uong sua bi tieu chay babysteps goat
Sử dụng sữa dê khi trẻ dị ứng đạm sữa bò

Cách xử lý khi trẻ uống sữa bị tiêu chảy

 Sau khi loại trừ các nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy do virus hay vi khuẩn gây nhiễm trùng tiêu hoá thì phụ huynh có thể nghĩ đến nguyên nhân từ sữa dinh dưỡng đang uống của trẻ.

Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy thì mẹ vẫn nên cho trẻ tiếp tục bú sữa, không cho trẻ kiêng ăn. Các yếu tố miễn dịch phong phú có trong sữa mẹ giúp tăng cường sự bảo vệ cho hệ miễn dịch, bao gồm cả hệ miễn dịch niêm mạc ruột của trẻ. Nucleotides có trong sữa mẹ giúp tái tạo niêm mạc ruột bị tổn thương do nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài ít hơn so với trẻ tiếp tục bú sữa bò.

Đối với những trẻ bất dung nạp lactose, mẹ nên loại trừ tất cả các thực phẩm có chứa lactose trong thực đơn hàng ngày của trẻ. Song song đó, mẹ cho trẻ uống sữa đặc chế không có lactose cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hẳn.

Sữa không có lactose được xem là giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ để trẻ phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý bổ sung thêm canxi cho bé trong khoảng thời gian này, vì chế độ ăn không lactose sẽ ngăn cản sự hấp thu canxi. Bên cạnh đó, mẹ có thể bổ sung thêm sữa chua để giúp hỗ trợ đường ruột của bé sản sinh thêm nhiều lactase. Sau khoảng 1-2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể cho trẻ trở lại chế độ ăn trước đó.

Đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, trẻ cần có chế độ ăn kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Ngoài ra, sữa cũng có thể có trong nhiều loại thực phẩm khác, nên mẹ cần kiểm tra nhãn các sản phẩm này thật kỹ xem có thành phần của sữa hay không.

Ví dụ, đạm sữa dê có thành phần tương tự như đạm sữa bò, vì thế cũng có thể khiến trẻ bị dị ứng và tiêu chảy khi uống sữa.

Cách hạn chế tình trạng trẻ uống sữa bị tiêu chảy

Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là cách tốt nhất để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu
  • Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ
  • Kiểm tra kỹ các thành phần, nguồn gốc, hạn sử dụng của sữa
  • Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ, ăn đúng lượng và đủ chất
  • Chọn sữa đúng với lứa tuổi, pha đúng tỷ lệ và bảo quản đúng theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Cách chọn sữa cho con

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: chỉ nên bú sữa mẹ, nếu phải bú sữa ngoài thì mẹ nên chọn cho bé sữa công thức 1, có thành phần dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển.
  • Lưu ý trong độ tuổi này, trẻ không nên dùng sữa bò tươi, sữa đặc có đường, sữa bột nguyên kem hoặc các loại sữa bột công thức dành cho trẻ trên 6 tháng.
  • Trẻ bắt đầu tròn 6 tháng: mẹ có thể đổi sang sữa công thức 2 cùng thương hiệu với loại sữa trước đó. Với thành phần dinh dưỡng cao hơn sữa công thức 1 đặc biệt là chất đạm, sữa công thức 2 sẽ đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong độ tuổi này.
  • Trẻ trên 1 tuổi: có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày, có thể dùng sữa tươi và nếu cần thiết mẹ cũng có thể thay đổi sữa theo khẩu vị, ý thích của trẻ, hoàn cảnh gia đình,…

Lưu ý, mẹ không nên đổi sữa thường xuyên vì cơ thể trẻ cần có thời gian thích ứng với một loại sữa nào đó, để có sự tiêu hóa và hấp thu tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi một loại sữa có thể tự tạo ra một môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi môi trường vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa hấp thu sữa và các loại thức ăn khác.

Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, ba mẹ nên chia nhỏ hàm lượng sữa để cơ thể của bé thích nghi dần. Lúc đầu, ba mẹ có thể cho bé uống khoảng 20ml sữa và theo dõi khả năng tiếp thu sữa của trẻ rồi tăng dần. Nếu nghi ngờ loại sữa trẻ uống không phù hợp với cơ địa của trẻ, bạn có thể đến gặp các bác sĩ dinh dưỡng tại các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được tư vấn loại sữa và chế độ dinh dưỡng bổ sung phù hợp nhất với trẻ.